• Trang chủ
  • Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở gắn với hoạt động đầu tư chuyển giao công nghệ tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở gắn với hoạt động đầu tư chuyển giao công nghệ tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở gắn với hoạt động đầu tư chuyển giao công nghệ tại tỉnh Thừa Thiên Huế

  • DIF Leader
  • 20/04/2023 21:26:15

Công nghệ, tri thức và đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của địa phương cũng như của doanh nghiệp. Do đó, việc tận dụng và tiếp cận những công nghệ mới, công nghệ tiên tiến từ nước ngoài vào trong quá trình sản xuất kinh doanh sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp quốc tế. Qua đó, giúp doanh nghiệp nâng cao trình độ hấp thụ công nghệ, đổi mới, nâng cấp các trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

 

Nhằm đánh giá tình hình thực tiễn và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh, phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ (KH&CN), tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh, Sở KH&CN phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN tổ chức Hội thảo “Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở gắn với hoạt động đầu tư chuyển giao công nghệ” và Phát động Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023.


Ông Nguyễn Thanh Bình – Uỷ viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu tại Hội thảo

Đến tham dự Hội thảo, có ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; bà Nguyễn Thị Ái Vân - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Thanh Bình - UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; Bà Lê Phan Quỳnh Hương - Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Chi nhánh Thừa Thiên Huế; ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN; bà Trần Thị Thuỳ Yên - Phó Giám đốc Sở KH&CN; ông Nguyễn Kim Tùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN cùng toàn thể các khách mời, chuyên gia đại biểu, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; lãnh đạo Sở KH&CN Thanh Hoá, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng… ; UBND các huyện, thị xã thành phố Huế, đại diện lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, Viện nghiên cứu, các Hội, Hiệp hội, Doanh nghiệp, Đoàn thanh niên và các sinh viên trực thuộc Đại học Huế.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình - UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn: “Thông qua Hội thảo, các chuyên gia đề cập, đóng góp thẳng thắn, hiến kế các giải pháp để phát huy các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế. Kiến tạo các cơ chế, chính sách mới nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương”. Đồng thời, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, “Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế phải nâng cao chất lượng, hướng đến là giải thưởng danh giá, quy tụ các sáng kiến hay phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh nhà”.

Toàn cảnh Hội thảo

Cần nhiều giải pháp tổng thể

Chia sẻ về các giải pháp liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia kết nối quốc tế trong hoạt động đầu tư chuyển giao công nghệ, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN nhấn mạnh: “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ là tập trung phát triển tri thức và đào tạo con người, theo đó địa phương cần có tư duy mở, bằng những sáng kiến về mặt chính sách, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, hấp dẫn, và địa phương có thể là người ra bài, đặt bài toán cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là tạo ra những ứng dụng, sản phẩm phục vụ nhu cầu phát triển của tỉnh. Bên cạnh đó, phải biết tận dụng và biến những văn hóa đặc trưng để kêu gọi vốn đầu tư, thu hút các nguồn lực, các công nghệ mới đến với Huế và dám tiên phong, thử nghiệm các công nghệ mới.”

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN chia sẻ tại Hội thảo

Bàn về các giải pháp phát triển hoạt động Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở gắn với đầu tư chuyển giao công nghệ tại Thừa Thiên Huế, ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao KH&CN thông qua các hoạt động hợp tác, kết nối, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để thu hút công nghệ mới từ các nước có nền công nghiệp tiên tiến vào tỉnh Thừa Thiên Huế. Thứ hai, chính quyền địa phương cần kiến tạo môi trường, khơi dậy phát triển các tiềm năng, tài nguyên bản địa thông qua các Chương trình, Đề án phát triển tại tỉnh Thừa Thiên Huế như: Đề án phát triển Du lịch cộng đồng; Đề án phát triển Dược liệu; Đề án phát triển Nông nghiệp công nghệ cao; Đề án phát triển thủy sản chất lượng cao vùng đầm phá; Đề án phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin… từ đó xây dựng nguồn đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhận chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới, khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển các ngành kinh tế xã hội trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo

Thứ ba, trong hoạt động nghiên cứu khoa học, cần đẩy mạnh, chuyển dịch các đề tài nghiên cứu cơ bản sang hướng nghiên cứu ứng dụng và khuyến khích các nhà khoa học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển giao công nghệ, cũng như khuyến khích doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ từ các nhà khoa học để tạo ra các sản phẩm mới, mang hàm lượng KH&CN cao góp phần đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ của sản xuất, kinh doanh. Thứ tư, tiếp tục tham mưu, hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số. Thứ năm, tăng cường đầu tư sàn giao dịch công nghệ của tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm nâng cao công tác hỗ trợ, kết nối các tổ chức, doanh nghiệp tham gia tìm kiếm, tiếp cận các công nghệ mới. Thứ sáu, chủ động đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về KHCN&ĐMST, đặc biệt kết nối, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh, các dự án khởi nghiệp có hàm lượng công nghệ cao vào tỉnh Thừa Thiên Huế qua các nguồn lực ở bên ngoài.”

Chia sẻ đến vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tận dụng lợi thế đổi mới sáng tạo, ông Lý Đình Quân - Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng Quốc gia, Tổng Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn cho biết: “Doanh nghiệp nên áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, tạo môi trường, không gian làm việc sáng tạo, thân thiện, các chính sách khuyến khích sáng tạo. Chú trọng đầu tư thương hiệu, tiếp cận thị trường mới, bán hàng trực tuyến, sử dụng công nghệ mới AI, Blockchain, IOT. Tăng cường hợp tác với các đối tác khác theo chuỗi giá trị, tham gia cộng đồng đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tận dụng và khai thác tối đa các chính sách ưu đãi của chính phủ, chính sách hỗ trợ của địa phương”.

Cũng tại Hội thảo, các khách mời, đại biểu đã cùng trao đổi thảo luận, làm rõ những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động chuyển giao KH&CN. Cũng như đưa ra kiến nghị sửa đổi, bổ sung các cơ chế đặc thù cho nghiên cứu khoa học, các quy trình quản lý tài sản công cũng như các giải pháp đẩy mạnh liên kết phát triển mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; cách thức trong thu hút nguồn lực ngoài địa phương và nguồn lực quốc tế đồng hành, tham gia phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Cũng trong Hội thảo, bà Trần Thị Thùy Yên - Phó Giám đốc Sở KH&CN đã thông báo kế hoạch, thể lệ và phát động Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023, qua đó, kêu gọi các thanh niên, học sinh, sinh viên, giảng viên, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đẩy mạnh, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, góp phần hình thành nên nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo ra những kỳ lân tầm cỡ. Ngay sau đó, bà Dương Tường Nhi - Trưởng làng Làng Tư duy Thiết kế Đổi mới Sáng tạo cũng đã chia sẻ, giới thiệu về thể lệ Cuộc thi Tư duy thiết kế - Đổi mới Sáng tạo do Làng Tư duy Thiết kế Đổi mới Sáng tạo (Innovative Design Thinking Village) tổ chức.

Bà Trần Thị Thùy Yên - Phó Giám đốc Sở KH&CN phát động Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023

Trong khuôn khổ Hội thảo, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Thừa Thiên Huế đã ký kết hợp tác thực hiện Đề án Cố đô Khởi nghiệp, giai đoạn 2021-2025, đồng thời ký Hợp đồng tài trợ Kim cương Giải thưởng Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023 với số tiền là 100.000.000 đồng. Ngay sau phần ký kết với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Thừa Thiên Huế, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc kết nối nguồn lực xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tỉnh Thừa Thiên Huế 

Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ https://skhcn.thuathienhue.gov.vn/?gd=32&cn=851&tc=34733