Sau hơn 05 tháng phát động và triển khai, Ngày 11/8/2023 tại Trường Đại Học Nguyễn Tất Thành đã diển ra vòng bán kết Cuộc thi Khởi nghiệp “Design Thinking Open Innovation 2023”.
Cuộc thi do Làng Tư duy thiết kế - Design Thinking Village - Techfest VN, phối hợp với các đơn vị đồng tổ chức: Trường Đại Học Nguyễn Tất Thành, CTCP Diamond Innovation Forest, CTCP Vintanedu, dưới sự chỉ đạo của Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ -NATEC và Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia -NSSC. Cuộc thi có gần 100 dự án của Startup và Sinh viên đến từ 15 tỉnh thành trên cả nước. Các dự án tham dự thuộc đa dạng các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Công nghệ Sinh học, Công nghệ Tài Chính, Chăm sóc sức khoẻ, Giáo dục Đào tạo, Kinh tế Xanh… thuộc 02 Chủ đề: Công nghệ và Tạo tác động.
Bà Dương Tường Nhi, CEO Công ty Happy Lifestyle - Trưởng Làng Tư duy thiết kế đổi mới sáng tạo - Techfest Vietnam, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi chia sẻ
Sau vòng sơ loại, Bảng Startup có 13 dự án, Bảng Sinh viên có 36 dự án lọt vào vòng bán kết. 48 dự án vào bán kết được tham gia các chương trình huấn luyện và các hoạt động hỗ trợ từ các Mentor. Các chuyên gia đã chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về Design Thinking, Business Model Canvas, kỹ năng Pitching…giúp các đội thi hiểu rõ hơn về quy trình thiết kế sáng tạo và cách áp dụng vào dự án của mình. Đây là cơ hội để các thí sinh hoàn thiện ý tưởng, ứng dụng kiến thức, trải nghiệm vào thực tiễn công việc. Trải qua chương trình huấn luyện, các nhóm dự thi đã hoàn chỉnh dự án của mình và bước vào giai đoạn đánh giá kết quả (phần đánh giá kết quả gồm điểm số từ ban giám khảo và điểm số do khán giả bình chọn).
Qua một ngày làm việc hiệu quả với các dự án khởi nghiệp từ các Startup và của Sinh viên, Ban tổ chức đã tuyển chọn được TOP 7 bảng Startup và TOP 15 bảng sinh viên vào vòng chung kết cuộc thi. Các dự án được đánh giá về tính sáng tạo (Design thinking) và khả năng thương mại hoá để kinh doanh hiệu quả. Bên cạnh các dự án của khối Startup đã đưa công nghệ vào hoạt động phát triển sản phẩm thì khối sinh viên cũng không thua kém. Chẳng hạn ở khối Startup có dự án “Reomese -Ứng dụng học tiếng Việt cho người nước ngoài” của đơn vị Công ty TNHH Tư vấn Giáo dục Vinh Danh đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào dự án thì ở Khối sinh viên có dự án Govo của các sinh viên đến từ Đại học FPT đã ứng dụng công nghệ số vào dự án. Đây là những điểm mới mà thị trường Việt Nam đang cần để hoà mình vao thời đại kỷ nguyên số.
Phần trình bày ứng dụng Design Thinking vào dự án qua phần trình bày của các thí sinh dự thi
Kết thúc cuộc thi ở vòng bán kết, bạn Vương Đắc Khởi – nhóm trưởng “Dự án Kofferlive - Dòng sản phẩm cà phê trái cây lên men” thuộc Trường Đại học Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Tham gia cuộc thi, chúng em ngoài được sự hướng dẫn của thầy cô tại trường em học thì khi vào vòng Bán kết chúng em còn được sự mentor từ thầy cô là chuyên gia của Ban tổ chức cuộc thi nữa. Cho nên em rất tự tin khi trình bày dự án của mình. Em rất vui khi dự án của nhóm em được tiếp tục vào vòng chung kết. Chúng em sẽ tiếp tục hoàn thiện dự án để đưa sản phẩm của nhóm vào thực tiển kinh doanh”.
Ban giám khảo, các Mentor dự án cùng các dự án vào vòng chung kết cuộc thi
Tại vòng bán kết, Ban tổ chức đã chọn được các dự án xuất sắc TOP 7 bảng Startup và TOP 15 bảng sinh viên vào vòng chung kết cuộc thi. Dù vậy, các Dự án vào chung kết vẫn tiếp tục được huấn luyện, kết nối với các Mentor là những chuyên gia, doanh nhân có chuyên môn và kinh nghiệm trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để hoàn thiện dự án của mình tốt hơn./.
Ảnh/bài: Kiên Nhẫn